Ngày đăng: 09:38 08/07/2022 - Lượt xem: 241
Theo thống kê của Cục Quản lý Dược Việt Nam, ngành sẽ tăng trưởng tiếp tục hai con số trong vòng 5 năm tới và đạt 7,7 tỷ USD vào 2021.
Việt Nam hiện được xếp vào nhóm những nước có ngành dược mới nổi (Pharmerging - theo phân loại của tổ chức IQVIA Institute). Dân số đang bước vào giai đoạn “già hóa” (World Bank cảnh báo, Việt Nam đang trải qua giai đoạn tốc độ già hóa dân số nhanh nhất từ trước tới nay, tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên là 6,5% vào năm 2017, dự kiến sẽ đạt 21% vào năm 2050), đồng nghĩa với nhu cầu chăm sóc sức khỏe đang tăng lên. Nielsen nhận định, sức khỏe luôn là một trong hai mối quan ngại hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam.
Bên cạnh đó, mức độ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ y tế có xu hướng tăng lên do thu nhập bình quân đầu người và trình độ dân trí được cải thiện, trong khi môi trường sống ngày càng có nguy cơ ô nhiễm cao làm gia tăng ngày càng nhiều loại bệnh tật… là yếu tố chính dẫn đến sự phát triển tất yếu của ngành dược.
Xu hướng tăng tiêu thụ thuốc vẫn duy trì liên tục trong những năm qua trong khi chi phí dược phẩm bình quân đầu người vẫn cho thấy khả năng tăng trưởng nếu so với mức trung bình của các thị trường dược mới nổi.
Theo thống kê của Cục Quản lý Dược Việt Nam, ngành sẽ tăng trưởng tiếp tục hai con số trong vòng 5 năm tới và đạt 7,7 tỷ USD vào 2021. Theo đó, gần 78% chuyên gia và doanh nghiệp dược dự báo, tốc độ tăng trưởng toàn ngành năm 2019 sẽ đạt trên 10% (năm 2017: tốc độ tăng trưởng ngành được 75% doanh nghiệp dự báo đạt trên 10% trong năm 2018), cho thấy sự tự tin vào khả năng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp dược hiện nay.
Mặc dù, ngành dược phẩm Việt Nam hiện nay đạt được một số thành tựu nhất định nhưng vẫn còn non trẻ, có tiềm năng tăng trưởng nhưng cần được đầu tư nhiều hơn khi hơn một nửa thị trường nguyên liệu và thuốc thành phẩm phụ thuộc vào nhập khẩu. Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 375 triệu USD nguyên phụ liệu dược phẩm, 78% trong số đó là từ Trung Quốc và Ấn Độ – là hai nguồn cung cấp thuốc chủ yếu cho các nước đang phát triển có tham gia sản xuất thuốc phiên bản. Chính vì bị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu mà năm 2018 nhiều doanh nghiệp dược Việt Nam lao đao khi giá API nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng đáng kể từ 15% đến 80%, giữa bối cảnh Chính phủ nước này đã đóng cửa hàng loạt các nhà máy sản xuất API gây ô nhiễm môi trường.
Tựu chung, kinh tế phát triển, thu nhập tăng, dân số lớn bắt đầu có dấu hiệu già hóa cộng với các vấn đề sức khỏe phát sinh do môi trường và quá trình công nghiệp hóa có thể là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng ngành. Tuy nhiên, làm thế nào để đưa ra các loại thuốc phiên bản mới một cách nhanh chóng, gia tăng tỷ lệ thuốc có giá trị cao và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng cũng như khả năng cạnh tranh có thể sẽ là thách thức cho nhà sản xuất dược trong nước trong những năm tới.